Chuyên gia Nhật Bản cho rằng, trong đầu tư cổ phiếu, cần nhận thức sự khác nhau giữa giá thành và giá trị.

Một trong những điều quan trọng liên quan đến các vấn đề về đồng tiền và kinh tế, chính là sự khác nhau giữa “Giá thành” và “Giá trị”. Theo ông Yuichiro Itakura, doanh nhân gạo cội của Nhật Bản, nếu không nhận ra được sự khác nhau giữa giá thành và giá trị, thì dù cho có chăm chỉ làm việc hay học tập đến mấy, cũng khó có thể có được thành công về mặt kinh tế.

“Đừng chỉ nhìn vào một con số tuyệt đối mà định giá sản phẩm. Nếu nhìn từ góc độ ‘Tôi sẽ nhận được giá trị gì sau khi trả tiền cho sản phẩm‘, thì bạn sẽ nhận thức được sự khác biệt giữa giá thành và giá trị. Điều này sẽ giúp những cơ hội kinh tế của nhà đầu tư được mở rộng hơn bao giờ hết”, ông khẳng định.

Việc chú ý đến sự khác nhau giữa giá thành và giá trị sẽ đặc biệt hữu dụng khi đầu tư chứng khoán, bất động sản, hay khi mua nhà, mua xe, và ngay trong cuộc sống hằng ngày. Ví dụ một người đi mua cà rốt ở một cửa hàng rau. Trong thùng xốp đựng rất nhiều cà rốt, và có một tấm bảng để: “Đồng giá 10 nghìn đồng một củ”. Trong trường hợp này, “giá thành” của mỗi củ cà rốt là bằng nhau: 10 nghìn đồng.

Giá thành giống nhau, nhưng giá trị của từng củ cà rốt lại có thể có sự khác biệt. Nghĩa là, cho dù cà rốt trong thùng đều có giá bán là 10 nghìn đồng, nhưng giá trị của củ cà rốt mọi người tìm kiếm lại khác nhau, khiến củ cà rốt người này chọn và người kia chọn cũng sẽ khác nhau.

Ông Yuichiro nhấn mạnh, khi giá thành là như nhau, mỗi người sẽ chọn những thứ mà họ nghĩ là có giá trị hơn đối với bản thân mình. Đây chính là biểu hiện của việc “nhận thức sự khác biệt giữa giá thành và giá trị”.

Ngay trong đầu tư cổ phiếu, cũng cần nhận thức sự khác nhau giữa giá thành và giá trị. Nếu coi cổ phiếu trên thị trường là những củ cà rốt, thì giá thành cà rốt (giá cổ phiếu) sẽ được cập nhật mỗi buổi sáng, và thay đổi từng giây từng phút.

Theo vị doanh nhân, những nhà đầu tư “non nớt” thường chỉ chăm chăm nhìn vào biến động của giá cổ phiếu (giá thành), mà không hề quan tâm đến giá trị thực của cổ phiếu trong dài hạn (số cổ tức có được khi sở hữu cổ phiếu này, hoặc khi so sánh với các cổ phiếu khác).

Nếu cứ làm như vậy, chắc chắn sẽ không bao giờ thành công trong đầu tư cổ phiếu. “Nếu muốn thu được lãi khi đầu tư cổ phiếu, thì nhà đầu tư phải biết nhìn thấy ‘giá trị’ từ những con số mệnh giá cổ phiếu được niêm yết“, vị chuyên gia nhận định.

Không phải mua bất kỳ loại cổ phiếu nào cũng có lời, và không phải hôm nay thị trường chứng khoán tụt dốc không phanh là ngay ngày mai sẽ tăng đột biến. Bất kỳ giao dịch kinh tế hay sự trao đổi tiền bạc, đồ vật, dịch vụ hay quyền lợi nào, cuối cùng cũng là trao đổi giá thành và giá trị.

Vì thế, để thành công trong kinh doanh, đầu tư và mua sắm, nhà đầu tư cần nắm được “giá trị” của hàng hoá, dịch vụ và những quyền lợi được đưa ra.

Thế nhưng, nhiều nhà đầu tư sẽ chỉ luôn nhìn thấy “giá thành”. Vì thế, những người này khi thấy những thứ “có giá rẻ hơn trước” sẽ mua với số lượng lớn, còn khi thấy những thứ có ý nghĩa đối với tương lai của mình “có giá đắt hơn trước” lại không muốn bỏ tiền ra.

Cuối cùng, vị chuyên gia kết luận, nhà đầu tư nên hiểu rằng “Giá thành” là một mức giá được đặt lên một đồ vật, dịch vụ hay quyền lợi tương ứng với giá trị của chúng, nói cách khác, giá thành là biểu hiện thành tiền của giá trị.

Đặng Hùng
Nguồn CafeF

Chia sẻ
Bạn muốn chia sẻ viết bài trên Doanh Chủ?
Hãy tham gia Mạng Xã Hội Doanhchu.VN để kết nối,chia sẻ và nâng tầm giá trị.
Liên hệ qua Zalo Chat, Email: info@doanhchu.vn