Việc sáp nhập cụm nhà máy Mỹ Phong (Trà Vinh) nằm trong chiến lược mở rộng quy mô và tái cấu trúc danh mục của mảng sản xuất công nghiệp TBS Group.

Khi dịch Covid bùng phát vào đầu năm 2020, cũng như nhiều doanh nghiệp khác, ngành sản xuất công nghiệp giày và túi xách của TBS Group gặp muôn vàn khó khăn trong việc duy trì doanh thu.

CƠ HỘI MANG TÊN “NHÀ MÁY MỸ PHONG”

Đến cuối năm 2020, hoạt động kinh doanh dần hồi phục, TBS Group nhận định rằng trong giai đoạn này, để duy trì năng lực cạnh tranh của tập đoàn so với các doanh nghiệp quốc tế khác cần tận dụng lợi thế chi phí nhờ quy mô sản xuất.

Mô hình này dựa trên nguyên lý doanh nghiệp càng lớn, tỷ lệ chi phí tiết kiệm được trên tổng chi phí càng cao. Các khoản phí doanh nghiệp tiết kiệm được có thể kể đến là chi phí đầu vào, marketing, quản lý, tích hợp công nghệ… Ngoài ra, khu vực miền Tây là nơi có tỷ lệ lao động trẻ cao, tuy nhiên số lượng công ăn việc làm tại khu vực này lại chưa đáp ứng đủ. Kết hợp nhiều yếu tố kể trên, TBS Group quyết định mở rộng sản xuất về khu vực Miền Tây để vừa giúp doanh nghiệp gia tăng năng lực cạnh tranh, vừa tạo công ăn việc làm cho người dân khu vực này.

Nhà máy Mỹ Phong (Trà Vinh) vốn trực thuộc Công ty TNHH Giày da Mỹ Phong, là doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư từ Đài Loan, được thành lập năm 2005. Doanh nghiệp này có 3 cụm nhà máy, chủ yếu sản xuất giày nữ xuất khẩu qua thị trường Âu Mỹ. Tuy nhiên, trong năm 2020, nhà máy đứng trước nguy cơ dừng sản xuất khi tình hình tiêu thụ sản phẩm bị trì trệ bởi dịch Covid, hơn 28.000 lao động đứng trước nỗi lo mất việc làm.

Trước tình thế này, TBS Group tiến hành trao đổi với Ban lãnh đạo công ty Giày da Mỹ Phong để sáp nhập cụm nhà máy này vào hệ thống sản xuất của Tập đoàn. Hết quý 1 năm 2021, TBS Group hoàn tất các thủ tục cuối cùng, chính thức đưa nhà máy Mỹ Phong về trực thuộc hệ thống TBS Group. Với công nghệ hiện đại và hệ thống quản lý chặt chẽ của TBS Group, Mỹ Phong được kỳ vọng sẽ cùng hơn 32 nhà máy khác trong hệ thống sản xuất công nghiệp TBS Group bứt tốc hơn nữa trong tương lai.

TÁI CẤU TRÚC DOANH NGHIỆP ĐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Song song với việc sáp nhập nhà máy Mỹ Phong, trong quý 2 2021, mảng sản xuất công nghiệp của TBS Group cũng tiến hành việc tái cấu trúc Tập đoàn ở 2 phương diện: Tái cấu trúc danh mục và tái cấu trúc tổ chức. Nhằm nâng cao năng lực toàn diện để hiện thực hóa tầm nhìn trở thành Top 5 trong ngành sản xuất công nghiệp thời trang toàn cầu.

Về danh mục, TBS Group mở rộng thêm danh mục sản xuất giày nữ sau khoảng thời gian tập trung phát triển túi xách và giày thể thao. Bằng việc sáp nhập nhà máy Mỹ Phong vào hệ thống, TBS Group dự định đưa giày nữ trở lại là một trong những danh mục sản xuất mũi nhọn của tập đoàn.

Khẳng định vị thế khi liên tục nằm trong Top doanh nghiệp sản xuất thời trang tại Việt Nam nhiều năm liền, TBS Group đang hướng đến mục tiêu Top 5 toàn cầu.

Về tổ chức, mảng sản xuất công nghiệp của TBS Group tái cấu trúc bộ máy nhân sự theo từng cấp độ, bắt đầu từ việc chia lại các Bộ phận quản trị như Ban điều hành các chuỗi, Bộ phận nghiên cứu chiến lược & nghiên cứu vĩ mô, Bộ phận chăm lo đời sống người lao động, và lực lượng an ninh phòng cháy chữa cháy… Với việc phân rã chức năng, nhiệm vụ của từng bộ phận, TBS Group mong muốn phát triển nguồn nhân lực có chiều sâu trong từng lĩnh vực hơn.

Có thể thấy, trong giai đoạn Covid-19 vẫn đang gây nhiều ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu, cùng với làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc, đây là những là bước đệm vững chắc để TBS Group nâng cao năng lực cạnh tranh, sẵn sàng đón đầu những cơ hội mới trong tương lai.

Kim Yến / VnEconomy

Chia sẻ
Bạn muốn chia sẻ viết bài trên Doanh Chủ?
Hãy tham gia Mạng Xã Hội Doanhchu.VN để kết nối,chia sẻ và nâng tầm giá trị.
Liên hệ qua Zalo Chat, Email: info@doanhchu.vn