Tác giả Nguyễn Giang Nam, phóng viên báo điện tử Tổ quốc, nhận Giải A của cuộc thi ảnh “Câu chuyện rác nhựa”. (File: Giải A)

Lễ trao giải cuộc thi vừa diễn ra tại Hà Nội. Theo đó, giải A được trao cho tác phẩm “Vấn nạn rác thải nhựa” của tác giả Nguyễn Đoàn Kết, “Vị giám đốc trẻ mê nhặt rác” ở Đà Nẵng: 10 năm dọn vệ sinh không công dưới đáy biển của tác giả Nguyễn Giang Nam – phóng viên báo điện tử Tổ quốc và “Tái chế nhựa” của tác giả Trần Văn Tuý. Giải B thuộc về các tác phẩm “Hãy bảo vệ môi trường sống của chúng ta’ của tác giả Phạm Văn Thành, “Thiên nhiên kêu cứu” của tác giả Đinh Ngọc Bảo và “No more plastic” của Đoàn trường Cao đẳng Nghề Bình Thuận. Giải C được trao cho các tác phẩm “Khu bọn tao sống” của tác giả Nguyễn Ngọc Sơn; “Thả cá, thả luôn vật dụng, tàn tro xuống sông Đà trong ngày Ông Công Ông Táo” của tác giả Lưu Trọng Đạt – phóng viên của TTXVN và “Công việc thầm lặng” của tác giả Kha Thành Trí Đạt. Giải Khuyến khích gồm tác phẩm “Rác thải nhựa đang giết chết sinh vật biển” của tác giả Phạm Hồng Mạnh – phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, tác phẩm “Bước chân của rác” của tác giả Nguyễn Thị Lý Giang, tác phẩm “Tiếng kêu cứu của thiên nhiên” của tác giả Nguyễn Trang Kim Cương, tác phẩm “Anh hùng nơi bến cảng” của tác giả Võ Hoài Nam, tác phẩm “Reflection – Sự phản chiếu” của nhóm tác giả Đỗ Thuỳ Linh, Hoàng Nhật Minh, Nguyễn Quỳnh Hoa.

Tác giả Lê Uyên Quyên, giáo viên của trường Cao đẳng Nghề Bình Thuận, nhận giải C của cuộc thi ảnh “Câu chuyện rác nhựa”. (File: Giải B)

Cuộc thi ảnh “Câu chuyện rác nhựa” diễn ra từ ngày 5/2 – 15/5/2021, đã nhận được 8.434 tác phẩm từ sinh viên và giảng viên của hơn 40 trường đại học, cao đẳng, trung học, các nhà báo của hơn 30 cơ quan báo chí, các nhiếp ảnh gia của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và hơn 20 câu lạc bộ nhiếp ảnh địa phương trên toàn quốc.

Cuộc thi này được tổ chức cuộc nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc quản lý rác thải sinh hoạt nói chung và rác thải nhựa nói riêng, qua đó để người dân và doanh nghiệp nhận thức rõ hơn những tác động tiêu cực của việc quản lý chất thải không đúng cách với sức khỏe con người và môi trường.

Cùng với sự kiện này, UNDP và Tổng cục biển và Hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã khởi động chiến dịch “Non, biển chung tay – Dọn ngay rác nhựa” nhằm kêu gọi hành động tái chế, tái sử dụng và giảm thiểu rác thải nhựa dùng một lần.

BTC đã trao giải C cho tác phẩm “Khu bọn tao sống” của tác giả Nguyễn Ngọc Sơn. (File: Giải C)

Ngoài ra, UNDP còn giới thiệu tới cộng đồng ứng dụng “Săn Rác” (http://sanrac.undp.org.vn) – một ứng dụng điện thoại dùng để báo cáo và theo dõi tất cả các bãi rác tự phát, sai quy định tại Việt Nam. Người dùng có thể chụp ảnh và ghi lại thông tin trên ứng dụng về các điểm có rác sai quy định trên Bản đồ “Săn Rác”, từ đó giúp Chính quyền địa phương, các bên liên quan và người dân có thể xử lý kịp thời.

Phát biểu tại sự kiện, ông Đào Xuân Lai, Trưởng ban Biến đổi khí hậu và Môi trường UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh “chúng ta cũng đã thấy những hình ảnh như một con cá voi hoa tiêu đực bị chết và dạt vào bãi biển ở Thái Lan vì đã nuốt 80 túi nilon; hình ảnh về những con rùa mắc trong 6 cái vòng nhựa, một con cá ngựa nhỏ xíu cuộn đuôi vào một cái tăm bông bằng nhựa. Các sản phẩm nhựa trôi dạt hàng ngày trên các bãi biển toàn thế giới – từ Việt Nam, Indonesia đến bờ biển châu Phi, và các con kênh trong các thành phố ngày càng tràn ngập chất thải nhựa. Rõ ràng chúng ta phải xem xét và suy nghĩ lại hành động của chúng ta, từ sản xuất, tiêu dùng và thải bỏ.”

BTC đã trao giải Khuyến khích cho các tác giả Phạm Hồng Mạnh – phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, Nguyễn Thị Lý Giang, Nguyễn Trang Kim Cương, Đỗ Thuỳ Linh, Hoàng Nhật Minh, Nguyễn Quỳnh Hoa. (Giải Khuyến khích)

Ông Jan Wilhelm Grythe, Phó Đại sứ Na Uy tại Việt Nam phát biểu “Mọi người đều có vai trò trong cuộc chiến chống ô nhiễm nhựa. Na Uy tự hào về quan hệ đối tác của chúng tôi với UNDP, Tổng cục Biển và Hải đảo, cùng chính quyền 5 tỉnh/thành phố của Việt Nam trong việc thực hiện Dự án này. Tôi rất vui khi thấy kết quả của nó ngày càng được nhân rộng. Giờ là thời điểm tốt nhất để chúng ta thay đổi cách sống và nâng cao nhận thức của cộng đồng về những tác hại của nhựa. Hãy cùng nhau phấn đấu vì điều này. Mọi hành động đều có ý nghĩa”.

PV